Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình: Giải đáp một số vướng mắc liên quan đến các quy định của BLHS năm 2015

Nhằm hướng dẫn và áp dụng thống nhất pháp luật, ngày 25/7/2016, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã có Văn bản số 01/GĐ-TANDTC giải đáp một số vướng mắc liên quan đến các quy định của BLHS năm 2015, BLTTHS năm 2015, BLDS năm 2015…

Tại Hội nghị trực tuyến tập huấn cho Thẩm phán, công chức Tòa án về các luật mới được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua, lãnh đạo TANDTC đã nhận được nhiều ý kiến của các TAND địa phương về việc còn vướng mắc khi áp dụng các điều luật trong quá trình giải quyết, xét xử các loại án. Ở bài viết này, Báo Công lý thông tin những giải đáp của Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đối với những vướng mắc mà các Thẩm phán, công chức Tòa án có ý kiến khi triển khai các quy định của BLHS năm 2015.

* Khi áp dụng pháp luật, có Thẩm phán băn khoăn trong việc tổng hợp hình phạt của nhiều bản án đối với trường hợp khi phạm tội và bị kết án lần thứ nhất người bị kết án là người chưa thành niên, nhưng khi phạm tội và bị kết án lần thứ hai thì người bị kết án là người đã thành niên được thực hiện như thế nào? Về ý kiến trên, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình giải đáp như sau: Việc tổng hợp hình phạt của nhiều bản án đối với trường hợp khi phạm tội và bị kết án lần thứ nhất người bị kết án là người chưa thành niên, khi phạm tội và bị kết án lần thứ hai thì người bị kết án là người đã thành niên được thực hiện theo quy định tại Điều 56 BLHS năm 2015 (Điều 51 BLHS năm 1999) như đối với trường hợp người đã đủ 18 tuổi.

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình giải đáp những ý kiến của các Thẩm phán tại Hội nghị

trực tuyến tập huấn các luật mới được Quốc hội Khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua

* Về băn khoăn của Thẩm phán trong việc giải quyết các vụ án buôn bán, tàng trữ, vận chuyển pháo nổ và thuốc lá điếu nhập lậu hiện nay, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nêu rõ: Theo quy định của Luật Thương mại năm 2005 và các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Thương mại năm 2005 thì pháo nổ và thuốc lá điếu nhập lậu là hàng cấm, còn theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014 thì “các loại pháo” và “các sản phẩm thuốc lá” thuộc Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Do có sự không thống nhất của các quy định nêu trên nên trong thời gian vừa qua các Tòa án gặp vướng mắc khi giải quyết các vụ án liên quan đến pháo nổ và thuốc lá điếu nhập lậu. Để tháo gỡ vướng mắc này, căn cứ vào quy định tại khoản 2 Điều 74 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, TANDTC đã gửi hồ sơ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích quy định của các văn bản nêu trên, làm cơ sở để giải quyết các vụ án. Trong khi chưa có giải thích của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc giải quyết các vụ án liên quan đến pháo nổ và thuốc lá điếu nhập lậu tiếp tục được thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 06/TANDTC-PC ngày 26/1/2016 của TANDTC. Quan điểm của TANDTC là các vi phạm về trật tự quản lý kinh tế cần được tăng cường xử lý bằng hình phạt tiền và các chế tài khác về kinh tế để đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý các vi phạm này.

* Việc xử lý các hành vi mà theo quy định của BLHS năm 1999 là tội phạm nhưng theo quy định của BLHS năm 2015 thì hành vi đó chưa cấu thành tội phạm do có bổ sung, thay đổi các yếu tố cấu thành tội phạm đó (ví dụ hành vi đánh bạc dưới 5 triệu đồng; hành vi tàng trữ trái phép dưới 0,1 gam hêrôin) được thực hiện như thế nào? Về vấn đề trên, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết: Nội dung này đã được quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016 của Quốc hội (trong đó có nội dung thực hiện các quy định có lợi cho người phạm tội tại khoản 3 Điều 7 của BLHS năm 2015 kể từ ngày 1/7/2016) và được hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐTP ngày 30/6/2016 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.

* Đối với ý kiến về việc tổ chức đánh bạc cho 10 người nhưng tổng số tiền thu trên chiếu bạc dưới 5 triệu đồng có bị xử lý hình sự không? Ý kiến này, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình giải đáp như sau: Theo quy định tại Điều 249 BLHS năm 1999 và hướng dẫn tại điểm a khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC thì phạm tội Tổ chức đánh bạc thuộc trường hợp “với quy mô lớn” nếu: “a) Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trong cùng một lúc cho từ 10 người đánh bạc trở lên…”. Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 322 BLHS năm 2015 thì: “1. Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: a) Tổ chức, sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu, quản lý của mình để cho từ 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc…”. Như vậy, cấu thành tội phạm của tội “Tổ chức đánh bạc” theo quy định tại Điều 322 BLHS năm 2015 không thay đổi so với Điều 249 BLHS năm 1999. Do đó, người thực hiện hành vi tổ chức đánh bạc cho 10 người nhưng tổng số tiền thu trên chiếu bạc dưới 5 triệu đồng thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Tổ chức đánh bạc”.

* Quy định “Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng… đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả” tại điểm a khoản 1 Điều 175 BLHS năm 2015 về “Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” được hiểu và áp dụng như thế nào? Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình giải đáp vấn đề này như sau: Điểm a khoản 1 Điều 175 BLHS năm 2015 quy định: “1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng… thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng… đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả…”. So với BLHS năm 1999 thì đây là trường hợp điều luật bổ sung theo hướng bất lợi cho người phạm tội. Vì vậy, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội về việc thi hành BLHS năm 2015 và khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016 của Quốc hội thì quy định này không áp dụng đối với những hành vi phạm tội xảy ra trước thời điểm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015 có hiệu lực. Sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015 được ban hành nếu quy định nêu trên được giữ nguyên, việc xác định thế nào là hành vi vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng, đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả sẽ được Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn chi tiết bằng Nghị quyết.

                                                                                                                                                                                                      Theo Báo Công lý

X