Hướng dẫn thủ tục kháng cáo bản án, quyết định hình sự

1. Những người có quyền kháng cáo: (Điều 231 Bộ luật tố tụng hình sự)

– Bị cáo và người đại diện hợp pháp của họ.

– Người bị hại và người đại diện hợp pháp của họ.

– Người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền lợi cho bị cáo là người chưa thành niên hoặc là người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần.

– Nguyên đơn dân sự và người đại diện hợp pháp của họ.

– Bị đơn dân sự và người đại diện hợp pháp của họ.

– Người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án và người đại diện hợp pháp của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.

– Người được Tòa án tuyên bố là không có tội có quyền kháng cáo phần lý do bản án sơ thẩm đã tuyên là họ không có tội.

2. Thời hạn kháng cáo: (Điều 234, 235 Bộ luật tố tụng hình sự)

– Đối với những người có mặt tại phiên tòa là 15  ngày kể từ ngày tuyên án.

– Đối với những người vắng mặt tại phiên tòa là 15 ngày kể từ ngày bản án được giao cho họ hoặc được niêm yết.

-Thời hạn kháng cáo quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 7 ngày kể từ ngày người có quyền kháng cáo nhận quyết định.

– Nếu đơn kháng cáo gửi qua bưu điện thì ngày kháng cáo được tính từ ngày bưu điện nơi gửi đóng dấu ở phong bì. Nếu đơn kháng cáo gửi qua Ban giám thị trại tạm giam, thì ngày kháng cáo tính từ ngày Ban giám thị trại tạm giam nhận được đơn.

– Việc kháng cáo quá hạn có thể được chấp nhận, nếu có lý do chính đáng.

3. Thủ tục kháng cáo: (Điều 233 Bộ luật tố tụng hình sự)

– Người kháng cáo phải gửi đơn đến Tòa án đã xử sơ thẩm hoặc Toà án cấp phúc thẩm. Trong trường hợp bị cáo đang bị tạm giam, Ban giám thị trại tạm giam phải bảo đảm cho bị cáo thực hiện quyền kháng cáo.

Người kháng cáo cũng có thể trình bày trực tiếp với Tòa án đã xử sơ thẩm về việc kháng cáo. Tòa án phải lập biên bản về việc kháng cáo đó.

4. Mẫu đơn kháng cáo (Mẫu đơn tham khảo)

5. Hướng dẫn sử dụng mẫu đơn kháng cáo:

(1) Ghi tên Toà án đã xét xử sơ thẩm vụ án.

–  Nếu là Toà án nhân dân cấp huyện, thì cần ghi rõ Toà án nhân dân huyện gì thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào (ví dụ: Toà án nhân dân huyện Y, tỉnhX );

–  Nếu là  Toà án nhân dân cấp tỉnh, thì cần ghi rõ Toà án nhân dân tỉnh (thành phố) nào (ví dụ: Toà án nhân dân thành phố Hà Nội). Cần ghi địa chỉ cụ thể của Toà án (nếu đơn kháng cáo được gửi qua bưu điện).

(2) Nếu người kháng cáo

–  Đối với cá nhân, thì ghi họ và tên, năm sinh của cá nhân đó;

–  Đối với người kháng cáo là cơ quan, tổ chức, thì ghi tên của cơ quan, tổ chức đó và ghi họ và tên, chức vụ của người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đó (ví dụ: Người kháng cáo: Tổng công ty X do ông Nguyễn Văn A, Tổng giám đốc làm đại diện).

(3) Trường hợp người kháng cáo là cá nhân, thì ghi đầy đủ địa chỉ nơi cư trú  của cá nhân (ví dụ: Địa chỉ: trú tại thôn B, xã C, huyện H, tỉnh T);

–  Trường hợp người kháng cáo là cơ quan, tổ chức, thì ghi địa chỉ trụ sở chính của cơ quan, tổ chức đó (ví dụ: Địa chỉ: có trụ sở tại số 20 phố NP, quận Đ, thành phố H).

(4) Ghi tư cách pháp lý của người kháng cáo

Ví dụ:  Ghi rõ là Bị cáo, Người bị hại, Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan……..trong vụ án hình sự……….ghi rõ, vụ án gì, ví dụ: “ Trộm cắp tài sản” “ Cố ý gây thương tích”………

(5) Ghi cụ thể ngày, tháng, năm của bản án và Tòa án đã xét xử sơ thẩm

– Trường hợp kháng cáo toàn bộ bản án  sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật thì ghi  kháng cáo toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm, vụ án gì,  ngày, tháng, năm của bản án và Tòa án đã xét xử sơ thẩm ví dụ; Kháng cáo toàn bộ Bản án hình sự sơ thẩm vụ án “Trộm cắp tài sản” ngày 23/5/2009 của Tòa án nhân dân huyện H tỉnh T

–  Trường hợp kháng cáo một phần  bản án  thì ghi rõ kháng cáo phần nào của bản án, ví dụ: kháng cáo phần bồi thường thiệt hại của Bản án hình sự sơ thẩm vụ án “Cố ý gây thương tích” ngày 29/5/2009 của Tòa án nhân dân huyện H tỉnh T

(6) Ghi lý do cụ thể của việc kháng cáo :  căn cứ kháng cáo

(7) Nêu cụ thể từng vấn đề mà người kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết ví dụ như :

– Yêu cầu  giảm mức hình phạt

– Yêu cầu cầu  giảm mức bồi thường thiệt hại.

– ………………………………

(8) Trường hợp có các tài liệu, chứng cứ bổ sung thì phải ghi đầy đủ tên các tài liệu, chứng cứ bổ sung kèm theo đơn kháng cáo ví dụ: các tài liệu kèm theo đơn gồm có:

– Biên lai, giấy biên nhận…;

– Bản sao giấy khai sinh….

 (9) Trường   hợp  người kháng cáo là cá nhân, thì phải ký tên hoặc điểm chỉ và ghi rõ họ và tên của người kháng cáo đó;

– Trường hợp người kháng cáo là cơ quan, tổ chức kháng cáo, thì người đại điện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức kháng cáo ký tên, ghi rõ họ và tên, chức vụ của mình và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó. /.

 

X