Năm mới, chuyện cũ…bây giờ mới kể!

Cuối năm Quý Tỵ, xuôi ngược trên đất Lào và bôn ba chốn Hà Thành, tôi may mắn được trao đổi và tâm tình với một Thẩm phán sắp cập tuổi nghỉ hưu. Con người đơn giản nhưng bản lĩnh: Anh Nguyễn Văn Tươi – Thẩm phán Trung cấp, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Điện Bàn.

Những ngày đầu năm Giáp Ngọ, thức đêm, tôi viết để kể về anh. Tôi biết, sang năm mới, “ăn cơm mới” không nên “nói chuyện cũ”. Nhưng “xét một cách toàn diện” – theo cách nói dí dỏm của anh, tình tiết của câu chuyện mà tôi sắp kể có thể rất mới với nhiều người, nhất là đối với anh em cán bộ trẻ!

… Theo chân du kích làm cách mạng:
Về Điện Ngọc, gặp cán bộ xã phụ trách công tác chính sách – xã hội qua các thời kỳ, hỏi thời điểm bắt đầu theo cách mạng của anh Nguyễn Văn Tươi thì ai cũng “lè lưỡi”! Còn các cụ cao niên ở đây thì khẳng định chắc nịch: “Thằng Hai theo cách mạng từ khi còn nằm trong bụng mẹ”. Riêng anh thì tự sự: Mẹ anh là cán bộ cách mạng từ thời chống pháp, anh thuộc diện “con một, đẻ bọc”! Mẹ sinh anh được 3 ngày thì ba anh đi tập kết. Hai mẹ con núm ná với nhau thời gian rồi bà cũng hy sinh. Anh trở thành trẻ mồ côi, sống nhờ sự chăm lo của mợ và bà con hàng xóm. Hai Tươi được bà con Điện Ngọc nuôi nấng, lớn lên trong khí thế nhà nhà chống giặc, người người chống giặc. Nói về ý thức cách mạng của bản thân, anh bộc bạch: “Thiệt ra sau này được đào tạo, giáo dục thì mình mới biết ý chí, lý tưởng cách mạng rõ ràng. Hồi đó còn nhỏ, cha đi tập kết, mẹ là liệt sỹ, hoàn cảnh nớ thử hỏi không theo cách mạng thì theo ai! Biết chi mô mà lý luận, lý tưởng! Nghe bà con kể bọn giặc giết mẹ mình, nhìn thấy bọn giặc giết bà con, đốt làng xóm mình, tức quá, xung phong đi theo du kích, các ảnh sai chi làm nấy thôi!”. Theo anh, nói là làm cách mạng nhưng không phải nghĩ ngay đến những việc “đao to, búa lớn”, bắn giết nhau liền đâu. Phải bắt đầu từ việc tụ tập năm bảy thằng trẻ con, đi lang thang trộm thức ăn, súng, lựu đạn của bọn giặc cho du kích…đến việc thám thính tình hình, quấy rối, bỏ cát vào họng súng của địch….Mười ba, mười bốn tuổi, biết cầm súng, ném lựu đạn mới được “cơ sở” cho tham gia đánh trận.

Những ngày tháng theo chân du kích đối với anh thật sự là chuỗi ngày vất vả, khổ cực. Nhưng kể đến chuyện đánh trận là anh vui lắm, khí thế lắm! Tôi hỏi: “Súng đâu bắn?”. Anh bảo: “Thì trộm của bọn địch, chúng có thứ chi mình có thứ nấy”! Tôi hỏi: “Cơm đâu ăn?”. Anh bảo: “Thì bà con gói gửi cho, nhưng mà ít lắm, lâu lâu mới có bửa cơm, toàn là rau, củ tận dụng tại chỗ”. Tôi hỏi: “Lực lượng mình mạnh không?” Anh bảo: “Cỡ tiểu đội, nhưng chủ yếu là nhờ nhân dân bảo vệ, nuôi nấng”. “Còn địch thì sao?”. “Ôi thôi nhiều lắm!”“Rứa làm răng đánh lại?”. “Thì đánh lẽ, đánh lén, ban đêm đánh, ban ngày ngủ”…

Anh kể rành mạch cách đánh du kích của anh em du kích Điện Ngọc như kể chuyện mới xảy ra ngày hôm qua. Đoạn chiến thắng, anh cao hứng cười hà hà. Đoạn bị đuổi chạy, có người hy sinh, giọng anh như đứt quãng – đó là những khoảng lặng trong tâm hồn anh, gắn chặt với cuộc đời anh cho đến hôm nay. Bởi lẽ theo anh, mười mấy du kích Điện Ngọc còn sống sót sau chiến tranh là những “hạt gạo trên sàng”, là con số rất nhỏ so với lớp lớp con em Điện Ngọc cầm súng và ngã xuống trên mảnh đất quê hương.

…nỗi niềm sau ngày chiến thắng:
Điện Ngọc bao đời chỉ có nắng, gió và cát. Thời chiến tranh còn có thêm khói lửa, máu và nước mắt. Sau ngày giải phóng, Điện Ngọc hoang tàn, xơ xác. Tất cả các thứ đều phải xây dựng lại từ đầu. Còn riêng anh, hết chiến tranh, không có nhà riêng mà về; không có ba, mẹ để được sẽ chia giây phút hân hoan ngày thống nhất đất nước. Hằng ngày ở cơ quan xã, tới bữa đi lang thang, ai thương tình kêu thì ghé tranh thủ miếng cơm, miếng sắn. Anh nói thiệt: “Tội nghiệp là không có miếng ván ép để làm cái bàn thờ riêng cho mẹ!”. Nhưng anh không buồn, bởi đó là cái khó chung của cả nước, cả Quảng Nam, cả Điện Ngọc chứ không riêng chi mình anh. Suy cho cùng thì khổ mấy cũng tốt hơn vạn lần so với thời còn chiến tranh, hòa bình rồi, từ từ sẽ cải thiện được.

Theo lời kể của anh, cái khó nhất sau chiến tranh đó là việc đi học. Học ngày, học đêm, học bất cứ lúc nào có thể. Học chữ, học nghề, học lý luận chính trị, học đủ thứ loại trên đời, học ba bốn thứ nhập một! Nhưng hồi đó học rất là siêng, chứ không như sắp trẻ bây chừ. Và cũng nhờ siêng như vậy nên rốt cuộc rồi cũng xong, cũng đủ chuẩn, cũng bắt kịp yêu cầu công việc và cuộc sống dần đi vào ổn định. Chỉ còn một điều theo anh cho đến bây giờ vẫn chưa xong, chưa đủ. Đó là chế độ, chính sách đối với bà con nhân dân đã hy sinh công sức, xương máu trong chiến tranh. Anh chia sẽ: Còn nhiều người lắm, vì thủ tục này, trình tự kia nên họ chưa hưởng được chính sách ưu đãi của Nhà nước; trong thời gian qua, anh luôn cố gắng hỗ trợ chính quyền địa phương xác nhận, lo toan các thủ tục liên quan đến chế độ chính sách cho bà con vùng cách mạng Điện Ngọc, nhưng nhiều lúc, nhiều trường hợp biết đó vẫn chịu vì không đủ thủ tục; nhiều lần về quê gặp lại bà con thấy hỗ thẹn thiệt! Anh nói dứt khoát: “Tui còn sống, còn làm việc được thì nhất định sẽ kiến nghị cấp trên, phải chung tay cùng chính quyền lo dứt điểm chế độ chính sách cho bà con Điện Ngọc có công cách mạng”. Là người kể lại câu chuyện của anh, tôi hiểu, tôi nghĩ và tôi mong mỏi tâm nguyện của anh sẽ trở thành hiện thực, càng sớm, càng tốt.

…và trọn vẹn một đời nghề:
Những ngày đầu Tháng 2 năm 2014, anh cùng cơ quan tất bật lo việc đón Huân chương Lao động Hạng Nhì. Đó là thành quả chung của các đời cán bộ, công chức, nhân viên Tòa án nhân dân huyện Điện Bàn xây dựng, vun đắp nên. Nhưng trong cái chung đó, phải kể đến công lao đóng góp của cá nhân Chánh án Nguyễn Văn Tươi – Người có thời gian đảm nhiệm chức vụ Chánh án lâu nhất ở Điện Bàn. Bao nhiêu năm lăn lộn cùng Tòa án huyện, từ lúc một vài cán bộ làm việc ở một góc của cửa hàng bách hóa đến nay trụ sở khang trang, máy móc, thiết bị đầy đủ, đội ngũ cán bộ, công chức đông về số lượng, vững về bản lĩnh chính trị và trình độ, năng lực nghiệp vụ.

Anh Nguyễn Văn Tươi – Thẩm phán Trung cấp, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Điện Bàn (Thứ 1 từ phải sang)
Anh Nguyễn Văn Tươi – Thẩm phán Trung cấp, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Điện Bàn (Thứ 1 từ phải sang)

Riêng anh, năm Giáp Ngọ đúng là “Mã đáo thành công”! Năm 2014 anh giao lại sự nghiệp xây dựng Tòa án nhân dân huyện Điện Bàn cho lớp trẻ; quay về đời thường, sống giản dị với làng xóm thân thương và người vợ tận tụy, thủy chung chăm lo cho anh từ những ngày hai người cùng học tập trung sau giải phóng. Anh hớn hở: “Tui về hưu, vợ làm nông “chắc bắp”, hai đứa con đã ổn định việc làm, thêm thằng cháu nội để đời là ngon nhứt!”! 

Trong dịp triển khai nhiệm vụ công tác năm 2014 của Tòa án nhân dân các cấp, anh vinh dự được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao vinh danh và Chủ tịch nước trực tiếp trao tặng danh hiệu Thẩm phán mẫu mực – một trong 07 người trên toàn quốc và là người duy nhất của Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Quảng Nam được vinh danh. Và cũng trong năm này, chúng tôi đang gấp rút lập hồ sơ đề nghị Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Hai cho anh.

Một mùa xuân nữa đang về trên quê hương. Trong lời chúc đầu xuân mới, anh vui mừng khoe với  tôi rằng: “Điện Ngọc hôm nay đã phát triển khác xưa lắm rồi! Nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm cho quê hương, cho bản thân và cho cả những người đồng đội, nhất là những người đang vật lộn với cuộc sống cơm áo hằng ngày…”.

Kể lại những gì anh Nguyễn Văn Tươi đã làm, đã cống hiến, tôi mạnh dạn khẳng định lần nữa rằng đó là những điều không bao giờ cũ. Bởi lẽ, anh chính là một trong những tấm gương thật nhất, gần nhất để cán bộ, công chức trẻ Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Quảng Nam soi vào để học tập, rèn luyện và phấn đấu vì sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương Quảng Nam giàu đẹp, xứng đáng với niềm mong đợi của các lớp cha, anh đi trước.

Nguồn bài viết được lấy từ: toaanquangnam.gov.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tòa án nhân dân thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị cán bộ công chức, người lao động

Ngày 03/01/2020, Tòa án nhân dân thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam tổ chức …

X