VÀI TRÒ CỦA NỮ THẨM PHÁN TRONG GIẢI QUYẾT ÁN HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH TẠI TAND THỊ XÃ ĐIỆN BÀN

Thị xã Điện Bàn là đơn vị hành chính phía Bắc tỉnh Quảng Nam là nơi tiếp giáp với hai thành phố Đà Nẵng và Hội An, nơi có khu công nghiệp lớn nhất nhì của tỉnh. Trong những năm gần đây, dân số Điện Bàn đón thêm một lượng lớn dân nhập cư từ các nơi về làm việc tại Khu công công nghiệp nên tình hình xã hội phức tạp và tình trạng ly hôn cũng tăng theo. Năm 2017 Tòa án Điện Bàn đã thụ lý 378 vụ/việc ly hôn, đến 2018 thụ lý 390 vụ/việc ly hôn và hiện nay tính đến ngày 01/10/2019 Tòa án Điện Bàn đã thụ lý 380 vụ/việc ly hôn, số lượng án hôn nhân gia đình năm sau tăng hơn năm trước, trong đó phần lớn nguyên nhân ly hôn là do mâu thuẫn kinh tế, do bạo hành. Đây, là con số đáng buồn cho tình trạng hôn nhân hiện nay, nhìn vào những con số thống kê cụ thể cũng đã nói lên được bao nhiêu gia đình tan vỡ, bao nhiêu đứa trẻ phải bơ vơ thiếu cha, thiếu mẹ. Hiện nay, với biên chế được phân bổ Tòa án nhân dân thị xã Điện có 3 nữ thẩm phán, đa số vụ việc hôn nhân gia đình là do các nữ thẩm phán phụ trách, với trách nhiệm được giao là người trung gian hòa giải, chúng tôi vẫn luôn mong muốn níu kéo lại từng gia đình, níu lại những nụ cười cho trẻ thơ. Bởi hơn ai hết chúng tôi hiểu sự trọn vẹn của một gia đình là như thế nào.

Gia đình! Hai tiếng thiêng liêng, là nơi gắn kết tình thân, là nơi hình thành nhân cách mỗi con người và là nơi cho ta bình yên, hạnh phúc trong tâm hồn. Chúng ta, những người làm trong ngành Tòa án là nơi cuối cùng trên thủ tục pháp lý quyết định kết thúc cho sự đổ vỡ một gia đình thì chắc hẳn sẽ không ai mong muốn thấy cảnh vợ chồng chia ly, con phải xa cha, xa mẹ. Ta sẽ không tự hào khi giải quyết được nhiều án hôn nhân gia đình, càng không muốn lấy số lượng án hôn nhân gia đình nhiều để làm thành tích mà cái mong muốn cần được chia sẻ về kinh nghiệm giải quyết án hôn nhân gia đình đó là làm sao trong quá trình giải quyết án hôn nhân sẽ có nhiều cặp vợ chồng sau khi đến Tòa thì họ sẽ hiểu ra được nhiều điều hay, lẽ phải, hiểu về đạo nghĩa vợ chồng, về tình thân gia đình và trách nhiệm với con cái mà rút đơn về đoàn tụ chung sống, đó mới là thành tích của chúng ta.

Chia sẻ về những kinh nghiệm giải quyết án hôn nhân gia đình, tôi nghĩ cái đầu tiên trong giải quyết án hôn nhân đó là thời gian. Chúng ta sẽ không vội vả vì mong muốn sớm kết thúc một vụ án hay để hoàn thành chỉ tiêu được giao mà vội vàng giải quyết cho các cặp vợ chồng ly hôn. Có thể trong lúc nóng giận, cãi nhau vợ hoặc chồng sẽ làm đơn ly hôn và nếu chúng ta cũng sớm mời bên còn lại đến để làm việc thì họ sẽ nhanh chóng chấp thuận mà không suy nghĩ. Trong trường hợp đó, nên cần cho các bên có thời gian để suy nghĩ về những cái sai, cái đúng của bản thân, khi đã bình tâm suy nghĩ lại thì cả hai sẽ có những quyết định đúng đắn cho những việc mình làm; Điều thứ hai khi giải quyết án hôn nhân là nên kiên trì hòa giải, nắm bắt tâm lý của từng đương sự để có hướng hòa giải sao cho hợp tình, hợp lý. Theo tâm lý chung một khi đã nộp đơn đến Tòa án yêu cầu ly hôn thì tâm trạng của nguyên đơn sẽ luôn trong trạng thái bức xúc, cái uất ức bị dồn nén lâu ngày và luôn nghĩ mình là người bị ức hiếp, chèn ép nên khi hòa giải Thẩm phán tạo điều kiện nguyên đơn trình bày hết những suy nghĩ của mình cho bị đơn nghe và hiểu được những tâm tư, mong muốn của người bạn đời để vợ chồng hiểu nhau hơn và từ đó khắc phục những sai sót, khó khăn mà tiếp tục chung sống với nhau. Với án hôn nhân, chúng ta nên xem trọng trách nhiệm hòa giải là hàng đầu, bởi lẽ từ trong sâu thẳm tâm hồn của mỗi người không một ai mong muốn phải ly hôn, ai cũng muốn gia đình thuận hòa, hạnh phúc nên việc kiên trì hòa giải, kể cả là hòa giải ngay tại phiên tòa sẽ hướng cho các đương sự có những suy nghĩ tích cực về tương lai gia đình, con cái mà thay đổi ý định ly hôn ban đầu, hướng về những điều tốt đẹp phía trước, gạt bỏ đi cái tôi của mỗi người mà trở về chung sống, chăm lo cho con; Điều thứ ba và có lẽ cũng là điều quan trọng nhất trong giải quyết án hôn nhân gia đình đó chính là cái tâm của người làm thẩm phán. Có được cái tâm mong muốn hòa giải  cho gia đình các đương sự đoàn tụ thì thẩm phán sẽ làm được hai điều trên đó là tạo điều kiện về thời gian và đảm nhận tốt vai trò hòa giải và hơn tất cả ta nên hiểu đó chính là lương tâm về trách nhiệm nghề nghiệp: một cái tâm về vận mệnh một gia đình, một cái tâm cho tương lai con trẻ và cũng là cái tâm vì một xã hội ngày mai tươi đẹp hơn…; Ngoài ra, điều cuối cùng cũng là cái vốn có của nữ thẩm phán đó là bản năng và tố chất của một người phụ nữ. Tại sao nói đến án hôn nhân gia đình người ta lại hay có những suy nghĩ nên giao loại án này cho nữ thẩm phán trực tiếp giải quyết vụ án. Phải chăng, khi giải quyết loại án này thì người ta cần đến sự nhạy cảm, tinh tế và mềm dẻo của người phụ nữ. Bởi cái kiên nhẫn và mềm dẽo của một nữ thẩm phán sẽ góp phần làm xoa dịu cái căng thẳng, ngột ngạt từ gia đình các đương sự. Từ đó, mâu thuẫn có thể dần dịu lại mà tạo cơ hội cho cả hai có những quyết định đúng đắn cho hôn nhân của họ.

Gia đình sẽ trọn vẹn hơn, xã hội sẽ ngày một tươi đẹp hơn khi không có những cuộc chia ly, làm tốt vai trò của thẩm phán là trách nhiệm của mỗi chúng ta. Sẽ vui hơn mỗi khi chúng ta hòa giải được một vụ hôn nhân để vợ chồng về chung sống và cũng tự hào, nhân văn hơn khi chúng ta chính là người se duyên cho những gia đình đang trên bờ vực đổ vỡ.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tòa án nhân dân thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị cán bộ công chức, người lao động

Ngày 03/01/2020, Tòa án nhân dân thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam tổ chức …

X