NHỮNG NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA LUẬT HÒA GIẢI, ĐỐI THOẠI TẠI TÒA ÁN

NHỮNG NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA LUẬT HÒA GIẢI, ĐỐI THOẠI TẠI TÒA ÁN

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT HÒA GIẢI, ĐỐI THOẠI TẠI TÒA ÁN

Quá trình phát triển đất nước cũng như kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hòa giải, đối thoại đóng vai trò đặc biệt quan trọng khi giải quyết các tranh chấp, mẫu thuẫn phát sinh trong xã hội. Với cách thức thân thiện, đồng thuận trên nguyên tắc chia sẻ, cảm thông, hòa giải, đối thoại góp phần hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai, tạo sự đồng thuận, xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Hòa giải thành, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử; kết quả hòa giải thành, đối thoại thành phần lớn được các bên tự nguyện thi hành; vụ việc không phải trải qua thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm theo quy định của các luật tố tụng; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước; hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận. Đối với Tòa án, đổi mới, tăng cường và nâng cao hiệu quả hòa giải, đối thoại là giải pháp căn cơ, giúp giải quyết khối lượng công việc ngày càng nặng nề, trong bối cảnh hàng năm các tranh chấp, khiếu kiện không ngừng tăng lên cả về số lượng và tính chất phức tạp.

Theo quy định của pháp luật hiện nay, việc hòa giải, đối thoại được thực hiện cả trong tố tụng và ngoài tố tụng với nhiều cơ quan tổ chức khác nhau thực hiện. Việc thực hiện hòa giải hiện nay đã lại mang nhiều kết quả tích cực, rất nhiều vụ việc tranh chấp, khiếu kiện đã hòa giải thành, đối thoại thành; tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, số vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án ngày càng tăng, đang trở thành áp lực cho Tòa án.

Trên cơ sở kết quả việc triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án năm 2018, năm 2019 và tiếp thu kinh nghiệm về hòa giải của nhiều nước trên thế giới cho thấy, cần có cơ chế hòa hòa giải mới, gắn hoạt động hòa giải, đối thoại với Tòa án và phát huy nguồn lực có kiến thức, kinh nghiệm của xã hội tham gia thì việc hòa giải, đối thoại sẽ tốt hơn.

Tóm lại, xuất phát từ nhu cầu của thực tiễn cuộc sống; từ ý nghĩa, tầm quan trọng của hòa giải, đối thoại tại Tòa án; thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng về đa dạng hóa các phương thức giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính thông qua việc xây dựng cơ chế pháp lý mới về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; thực hiện Kết luận của Ban Cải cách tư pháp Trung ương; học tập kinh nghiệm của một số quốc giá đã triển khai thành công mô hình này, việc ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là hết sức cần thiết.

II. MỤC ĐÍCH, QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG DỰ ÁN LUẬT

1. Mục đích ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

1.1. Xây dựng cơ chế pháp lý mới hiệu quả về hòa giải, đối thoại tại Tòa án để cơ quan, tổ chức, cá nhân lựa chọn giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính.

1.2. Thu hút, phát huy nguồn nhân lực có kiến thức và kinh nghiệm trong xã hội tham gia phối hợp cùng Tòa án tiến hành hòa giải, đối thoại để giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính.

1.3. Nâng cao chất lượng giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính; tăng tỷ lệ hòa giải thành, đối thoại thành và hiệu quả thi hành kết quả hòa giải, đối thoại.

2. Quan điểm chỉ đạo

2.1. Thể chế hóa các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp, cải cách hành chính; theo đó, phải bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý, tôn trọng quyền tự định đoạt của các bên, khuyến khích việc giải quyết các tranh chấp thông qua hòa giải, đối thoại; không làm tăng bộ máy, tổ chức, biên chế của Tòa án; thu hút, huy động nguồn nhân lực chất lượng cao trong xã hội tham gia giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính.

2.2. Các nội dung của dự án Luật phải được xây dựng trên cơ sở đánh giá thực tiễn thi hành các quy định của pháp luật về hòa giải, đối thoại hiện hành, khắc phục được những hạn chế, vướng mắc, bất cập; kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa, pháp lý tốt đẹp của dân tộc; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới về hòa giải.

2.3. Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp; tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về hòa giải, đối thoại, tính khả thi của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, không mâu thuẫn, không thay thế các cơ chế pháp lý hiện có.

III. NHỮNG NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA LUẬT HÒA GIẢI, ĐỐI THOẠI TẠI TÒA ÁN

Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2020, có 4 Chương, 42 Điều, bố cục như sau:

Chương I: NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG: Có 9 Điều, từ Điều 1 đến Điều 9

Chương II: HÒA GIẢI VIÊN: Có 6 Điều, từ Điều 10 đến Điều 15

Chương III: TRÌNH TỰ THỦ TỤC HÒA GIẢI, ĐỐI THOẠI VÀ CÔNG NHẬN KẾT QUẢ HÒA GIẢI, ĐỐI THOẠI TẠI TÒA ÁN: Có 26 Điều, từ Điều 16 đến Điều 41

Chương IV: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH: Điều 42.

Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án có những nội dung chủ yếu sau đây:

1. Những quy định chung

1.1. Phạm vi điều chỉnh

a) Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định: Nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; quyền, nghĩa vụ của Hòa giải viên tại Tòa án, các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án; trách nhiệm của Tòa án đối với hoạt động hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại, công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án.

b) Quy định đối tượng thực hiện hòa giải, đối thoại tại Tòa án:

Vấn đề quan trọng nhất của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là đối tượng hòa giải, đối thoại là gì? Loại tranh chấp nào, yêu cầu nào, khiếu kiện nào sẽ thực hiện hòa giải, đối thoại tại Tòa án trên cơ sở xác định phạm vi điều chỉnh của Luật này, phân biệt hòa giải, đối thoại tại Tòa án với hoạt động hòa giải, đối thoại khác. Khoản 2 Điều 1 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định: “Hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật này được thực hiện trước khi Tòa án thụ lý đơn khởi kiện vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn; đơn khởi kiện vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính”.

Như vậy, đối tượng hòa giải đối thoại tại Tòa án được xác định trên yếu tố:

– Về tính chất vụ việc:

+ Hòa giải các tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn (gọi chung là vụ việc dân sự), theo quy định của Bộ luật Tố tụng thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

+ Đối thoại đối với những khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính theo quy định Luật Tố tụng hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Nói tóm lại, Hòa giải, đối thoại tại Tòa án chỉ thực hiện đối với những vụ việc dân sự và khiếu kiện hành chính theo pháp luật tố tụng thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, nếu không thuộc thẩm quyền của Tòa án thì không hòa giải, đối thoại.

– Thời điểm thực hiện hòa giải, đối thoại là sau khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, nhưng trước khi Tòa án thụ lý giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính. Đơn khởi kiện, đơn yêu cầu theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

c) Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án không áp dụng (không điều chỉnh) các hoạt động hòa giải, đối thoại đã được quy định ở các Luật khác.

1.2. Nguyên tắc hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Hòa giải, đối thoại tại Tòa án hoạt động theo những nguyên tắc cơ bản sau đây:

a) Các bên tự nguyện tham gia hòa giải, đối thoại.

Việc xác định hòa giải, đối thoại tại Tòa án là hoạt động trước tố tụng nhưng không mang tính bắt buộc, người khởi kiện, người yêu cầu, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền đồng ý hoặc không đồng ý giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính bằng cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án, nếu đồng ý thì thực hiện việc hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật Hòa giải đối thoại, không đồng ý thì giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

b) Tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận, thống nhất của các bên; không được ép buộc các bên thỏa thuận, thống nhất trái với ý chí của họ

Trong quá trình hòa giải, đối thoại, Hòa giải viên luôn luôn phải tôn trọng sự tự nguyện của đương sự, các nội dung thỏa thuận, thống nhất phải phản ánh đúng ý chí của các bên tham gia hòa giải, đối thoại; tuyệt đối không được đe dọa, ép buộc, các thỏa thuận phải thống nhất.

c) Bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa các bên tham gia hòa giải, đối thoại

Trong quá trình hòa giải, đối thoại, các bên hòa giải, đối thoại đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ được quy định trong Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, không phân biệt dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần xã hội, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, địa vị xã hội. Hòa giải viên có trách nhiệm bảo đảm các bên đều có điều kiện, cơ hội ngang nhau trong việc cung cấp thông tin, xuất trình tài liệu, chứng cứ, trình bày ý kiến, đề xuất nguyện vọng…

d) Nội dung thỏa thuận hòa giải, thống nhất đối thoại không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác

Khoản 1 Điều 8 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật…”, khoản 2 Điều 3 và khoản 1 Điều 10 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện,chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng…Cá nhân, pháp nhân không được lạm quyền dân sự của mình gây thiệt hại cho người khác, để vi phạm nghĩa vụ của mình hoặc thực hiện mục đích khác trái pháp luật….

Vì vậy, những nội dung thỏa thuận, thống nhất của các bên về hòa giải, đối thoại không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, nếu vi phạm nội dung này, Tòa án sẽ không ra quyết định công nhận.

Hòa giải viên phải giải thích, hướng dẫn và bảo đảm các thỏa thuận, thống nhất của các bên không vi phạm những quy định đó.

đ) Các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải, đối thoại phải được giải bí mật theo quy định của Luật

Một trong những đặc điểm nổi bậc nhất của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án được quy định thành nguyên tắc là “Các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải, đối thoại phải được giữ bí mật”, trừ trường hợp người đã xuất trình tài liệu, trình bày ý kiến trong quá trình hòa giải, đối thoại đồng ý việc sử dụng tài liệu, lời trình bày của mình trong quá trình hòa giải, đối thoại làm chứng cứ hoặc phải sử dụng làm chứng cứ theo quy định của luật. Việc giữ bí mật đối với các thông tin về hòa giải là một yêu cầu rất cần thiết đối với hòa giải, đối thoại, nó sẽ giúp cho Hòa giải viên nắm được nhiều thông tin, dễ tìm ra nguyên nhân phát sinh tranh chấp, những mâu thuẫn chủ yếu cần giải quyết…; đồng thời sẽ tạo cho Hòa giải viên thiết lập mối liên hệ tốt với các bên tranh chấp, như vậy sẽ giúp cho Hòa giải viên tiến hành hòa giải có nhiều thuận lợi hơn. Nội dung của nguyên tắc bảo mật thông tin là:

– Hòa giải viên, các bên tham gia hòa giải, đối thoại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác được mời tham gia hòa giải, đối thoại không được tiết lộ thông tin mà mình biết trong quá trình hòa giải, đối thoại. Hòa giải viên có quyền nghĩa và nghĩa vụ từ chối cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính, trừ trường hợp các bên tham gia hòa giải, đối thoại đồng ý bằng văn bản hoặc theo quy định của pháp luật.

– Trong quá trình hòa giải, đối thoại không được ghi âm, ghi hình, ghi biên bản hòa giải, đối thoại. Việc lập biên bản chỉ được thực hiện để ghi nhận kết quả hòa giải; Hòa giải viên, các bên tham gia hòa giải, đối thoại chỉ được ghi chép để phục vụ cho việc hòa giải, đối thoại và phải bảo mật nội dung đã ghi chép.

– Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sử dụng tài liệu, lời trình bày của các bên trong quá trình hòa giải, đối thoại làm chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật, trừ các trường hợp sau đây:

+ Bên đã xuất trình tài liệu, trình bày ý kiến trong quá trình hòa giải, đối thoại đồng ý việc sử dụng tài liệu, lời trình bày của mình trong quá trình hòa giả, đối thoại làm chứng cứ;

+ Phải sử dụng làm chứng cứ theo quy định của luật.

e) Phương thức hòa giải, đối thoại được tiến hành linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm của mỗi loại vụ việc

Phương thức hòa giải, đối thoại linh hoạt là một đặc điểm nổi bật của cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án, nó không bị gò bó theo khuôn khổ của Luật Tố tụng dân sự mà người Thẩm phán phải tuân theo khi tiến hành hòa giải trong tố tụng, Thẩm phán vừa thực hiện nhiệm vụ hòa giải, nếu hòa giải không thành sẽ là người chủ tọa phiên tòa để xét xử tranh chấp đó, cho nên giữa Thẩm phán và các đương sự phải có khoảng cách, lời trình bày của đương sự cho Thẩm phán trong quá trình hòa giải cũng chính là lời khai trước Tòa, trong quá trình hòa giải người Thẩm phán  không để lộ quan điểm của Tòa án sẽ xét xử tranh chấp đó như thế nào, không được để các bên tranh chấp hiểu nhầm “chưa xử đã xét”. Ngược lại, một trong những nguyên tắc cơ bản của hòa giải tại Tòa án là sự linh hoạt, trong quá trình hòa giải, Hòa giải viên được quyền thực hiện các phương pháp sao cho phù hợp với mỗi vụ việc nhằm đạt được kết quả hòa giải thành. Phương thức linh hoạt thể hiện ở những điểm sau đây:

– Về thời điểm hòa giải: Hòa giải viên có thể tiến hành hòa giải, đối thoại ở thời điểm nào mà mình thấy thích hợp, không bắt buộc phải thu thập đầy đủ chứng cứ mới hòa giải; tùy theo mỗi vụ việc cụ thể, Hòa giải viên sẽ xác định thời điểm tiến hành hòa giải, có thể tiến hành trong giờ làm việc hoặc ngoài giờ làm việc, quan trọng là tạo điều kiện thuận lợi nhất để tất cả các bên có thể tham gia hòa giải, đối thoại.

– Về địa điểm tiến hành hòa giải, có thể tiến hành hòa giải, đối thoại tại phòng hòa giải hoặc ở địa điểm khác mà các bên đã thống nhất, Hòa giải viên tôn trọng sự thống nhất về lựa chọn địa điểm hòa giải của các bên.

– Về phương pháp hòa giải, trong suốt quá trình hòa giải, Hòa giải viên được phép linh hoạt trong việc thực hiện các hoạt động cần thiết cho việc hòa giải, trừ những hoạt động vi phạm điều cấm của luật và trái đạo đức xã hội; Hòa giải viên thực hiện việc tiếp xúc riêng với mỗi bên tranh chấp (họp kín), họp chung với các bên một lần hoặc nhiều lần; Hòa giải viên có thể giải thích, phân tích… để giúp các bên hiểu đúng bản chất đối với vấn đề đang tranh chấp, tìm được giải pháp để giải quyết tranh chấp như thế nào là tốt nhất hoặc hiểu được hậu quả pháp lý nếu không thỏa thuận được vv… để họ suy nghĩ, lựa chọn giải pháp, tự nguyện đưa ra thỏa thuận giải quyết tranh chấp, yêu cầu ly hôn, thống nhất giải quyết khiếu kiện hành chính.

g) Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại độc lập và tuân theo pháp luật

Hòa giải viên là người do Tòa án lựa chọn bổ nhiệm, tập huấn, hướng dẫn,  bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật hòa giải, đối thoại tạo điều kiện về cơ sở vật chất và những điều kiện khác trong phạm vi pháp luật cho phép để giúp Hòa giải viên thực hiện tốt việc hòa giải, đối thoại; nhưng khi thực hiện nhiệm vụ hòa giải, đối thoại tại Tòa án, các hoạt động của Hòa giải viên hoàn toàn độc lập chỉ tuân theo pháp luật, không ai có quyền can thiệp, chỉ đạo, tác động làm ảnh hưởng đến tính độc lập của Hòa giải viên;

h) Tiếng nói và chữ viết dùng trong hòa giải, đối thoại là tiếng Việt

Người tham gia hòa giải, đối thoại có quyền dùng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình; trường hợp này họ có thể tự bố trí hoặc đề nghị Hòa giải viên bố trí phiên dịch cho mình.

Người tham gia hòa giải, đối thoại là người khuyết tật nghe, nói hoặc khuyết tất nhìn có quyền dùng ngôn ngữ, ký hiệu, chữ dành riêng cho người khuyết tật; trường hợp này phải có người biết ngôn ngữ, ký hiệu, chữ dành riêng cho người khuyết tật để dịch lại và họ cũng được coi là người phiên dịch.

i) Bảo đảm bình đẳng giới, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em trong hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Quá trình hòa giải, đối thoại phải đảm bảo quyền bình đẳng về giới, tôn trọng và bảo vệ quyền lợi phụ nữ và trẻ em, trường hợp phải chỉ định Hòa giải viên đối với vụ việc có liên quan đến người  dưới 18 tuổi thì Thẩm phán chỉ định Hòa giải viên có kinh nghiệm, hiểu biết về tâm lý của người dưới 18 tuổi.

 

1.3. Chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Điều 5 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã quy định rõ về chính sách của Nhà nước như sau:

– Khuyến khích các bên giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính bằng hình thức hòa giải, đối thoại tại Tòa án;

– Khuyến khích những người đủ điều kiện theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án làm Hòa giải viên;

– Tạo điều kiện, hỗ trợ cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

1.4. Kinh phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Kinh phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án là tất cả những khoản chi phí cần thiết cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án, kinh phí bao gồm: Chi phí về tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải, đối thoại cho Hòa giải viên, cơ sở vật chất nơi làm việc, phòng hòa giải, chi phí cho hoạt động hòa giải, đối thoại của Hòa giải viên.

Để khuyến khích hòa giải, đối thoại, kinh phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án nói chung do Nhà nước bảo đảm chi từ ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Riêng kinh phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án do ngân sách Nhà nước bảo đảm, trừ các trường hợp sau đây thì chi phí hòa giải do các bên tham gia hòa giải, đối thoại chịu:

– Chi phí hòa giải đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch;

– Chi phí các bên thống nhất lựa chọn địa điểm hòa giải, đối thoại ngoài trụ sở Tòa án;

Chi phí khi Hòa giải viên xem xét hiện trạng tài sản liên quan đến vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính mà tài sản đó nằm ngoài phạm vi địa giới hành chính của tỉnh nơi Tòa án có thẩm quyền giải quyết có trụ sở;

– Chi phí phiên dịch tiếng nước ngoài

Kinh phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án do Chính phủ trình Quốc hội quyết định sau khi thống nhất với Tòa án nhân dân tối cao. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý sử dụng quyết toán kinh phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

1.5. Quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Để thực hiện tốt nguyên tắc tự do, tự nguyện, thiện chí, trung thực của các bên khi tham gia hòa giải, đối thoại; bảo mật các thông tin trong quá trình hòa giải, đối thoại, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định các bên tham gia hòa giải, đối thoại, có những quyền nghĩa vụ như sau:

1.5.1. Các bên tham gia hòa giải, đối thoại có các quyền như sau:

a) Đồng ý hoặc từ chối tham gia hòa giải, đối thoại hoặc chấm dứt hòa giải, đối thoại;

b) Trực tiếp hoặc thông qua người đại diện tham gia hòa giải, đối thoại;

c) Lựa chọn Hòa giải viên trong danh sách Hòa giải viên của Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính; trường hợp thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện thì có thể lựa chọn Hòa giải viên của Tòa án nhân dân cấp huyện khác trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án nhân dân cấp tỉnh;

d) Đề nghị thay đổi Hòa giải viên theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại;

đ) Đề nghị Hòa giải viên bố trí phiên dịch trong trường hợp người tham gia hòa giải, đối thoại là người không biết tiếng Việt, người khuyết tật nghe, nói hoặc khuyết tật nhìn;

e) Yêu cầu Hòa giải viên, người tham gia hòa giải, đối thoại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, Thẩm phán tham gia phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại giữ bí mật thông tin do minh cung cấp;

g) Bày tỏ ý chí, đề xuất phương thức, giải pháp giải quyết tranh chấp, yêu cầu, khiếu kiện; thống nhất về nội dung hòa giải, đối thoại;

h) Yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành;

i) Yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện các nội dung đã hòa giải thành, đối thoại thành;

k) Đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét lại quyết định công nhận hòa giải thành, đối thoại thành theo quy định của Luật này.

1.5.2. Các bên tham gia hòa giải, đối thoại có các nghĩa vụ sau đây:

a) Tuân thủ pháp luật;

Trong quá trình hòa giải đối thoại, các bên tham gia hòa giải đối thoại được tự do, tự nguyện thực hiện những công việc cần thiết cho hòa giải đối thoại, nhưng không được trái pháp luật;

b) Tham gia hòa giải, đối thoại với tinh thần thiện chí, hợp tác để thúc đẩy quá trình hòa giải, đối thoại đạt kết quả tích cực; trình bày chính xác tình tiết, nội dung của vụ việc, cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc theo yêu cầu của Hòa giải viên;

c) Chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin, tài liệu, chứng cứ mà mình cung cấp trong quá trình hòa giải, đối thoại; nếu thông tin, tài liệu, chứng cứ cung cấp là giả mạo thì kết quả hòa giải, đối thoại bị vô hiệu; trường hợp có dấu hiệu tội phạm thì bị xử lý theo quy định của pháp luật về hình sự; nếu gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật;

d) Tôn trọng Hòa giải viên và các bên có liên quan; thực hiện các yêu cầu của Hòa giải viên theo quy định của Luật này;

đ) Chấp hành quy chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án;

e) Thực hiện các nội dung đã hòa giải thành, đối thoại thành.

2. Trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại và công nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án

2.1. Trình tự nhận, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Tòa án và chỉ Hòa giải viên

Trên cơ sở nguyên tắc “Các bên tự nguyện tham gia hòa giải, đối thoại” và bảo đảm quyền khởi kiện của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định trình tự nhận, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Tòa án như sau:

2.1.1. Nhận đơn khởi kiện, đơn yêu cầu

Đơn khởi kiện các tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, đơn yêu cầu Tòa án công nhận thuận tình ly hôn, đơn khởi kiện đối với quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính, do vậy việc gửi đơn, nhận đơn phải thực hiện theo Điều 190, 191 Bộ luật dân sự năm 2015, Điều 121 Luật Tố tụng hành chính năm 2015.

a) Gửi đơn khởi kiện

Người khởi kiện, người yêu cầu gửi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính kèm theo tài liệu, chứng cứ đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết bằng các phương thức:

– Nội trực tiếp tại Tòa án;

– Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;

– Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng Thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

b) Nhận đơn

Sau khi nhận đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, Tòa án thực hiện thủ tục nhận đơn như sau:

– Ghi vào sổ nhận đơn;

– Gửi cho người khởi kiện, người yêu cầu giấy xác nhận đã nhận đơn.

2.1.2. Xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu

Hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án chỉ được thực hiện đối với các vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, trừ những vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính theo quy định của Luật không hòa giải, đối thoại, đồng thời phải được sự đồng ý của các bên tham gia hòa giải đối thoại. Vì vậy, khoản 3, 4 và 5 Điều 16 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định việc xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu như sau:

a) Đối với những đơn không thuộc thẩm quyền của Tòa án hoặc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án như thuộc trường hợp không tiến hành hòa giải, đối thoại tại Toa án thì giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính;

b) Đối với những đơn thuộc thẩm quyền, giải quyết của Tòa án và không thuộc trường hợp không tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì giải quyết như sau:

– Trong 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn kiện, đơn yêu cầu, Tòa án thông báo cho người khởi kiện, người yêu cầu vụ việc thuộc trường hợp được hòa giải, đối thoại tại Tòa án và yêu cầu người khởi kiện, người yêu cầu trả lời cho Tòa án: Có đồng ý thực hiện việc hòa giải, đối thoại không? Trường hợp đồng ý hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì có chọn Hòa giải viên nào giải quyết không?

– Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án, người khởi kiện, người yêu cầu phải trả lời bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác cho Tòa án biết về nững nội dung đã được Tòa án thông báo. Trường hợp người khởi kiện, người yêu cầu trực tiếp đến Tòa án trình bày ý kiến thì Tòa án lập biên bản ghi nhận ý kiến; biên bản có chữ ký hoặc điểm chỉ của họ. Hết thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án thì tùy tường hợp, Tòa án xử lý như sau:

+ Trường hợp người khởi kiện, người yêu cầu có ý kiến, căn cứ vào ý kiến của người khởi kiện, người yêu cầu, Tòa án giải quyết:

Nếu người khởi kiện, người yêu cầu có ý kiến đồng ý hòa giải, đối thoại thì chuyển đơn và tài liệu kèm theo cho Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại thực hiện nhiệm vụ chỉ định Hòa giải viên.

* Nếu người khởi kiện, người yêu cầu có ý kiến không đồng ý hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì xử lý đơn và các tài liệu theo quy định của pháp luật về tố tụng.

+ Trường hợp Tòa án chưa nhận được ý kiến trả lời của người khởi kiện, người yêu cầu thì Tòa án thực hiện thông báo lại lần thứ hai cho người khởi kiện người yêu cầu biết để thực hiện quyền lựa chọn hòa giải, đối thoại và lựa chọn Hòa giải viên.

Trên cơ sở kết quả thông báo lần thứ hai, Tòa án giải quyết như sau:

* Nếu người khởi kiện, người yêu cầu có ý kiến đồng ý hòa giải, đối thoại thì chuyển đơn và tài liệu kèm theo cho Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại thực hiện nhiệm vụ chỉ định Hòa giải viên.

Nếu người khởi kiện, người yêu cầu có ý kiến không đồng ý hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì xử lý đơn và các tài liệu theo quy định của pháp luật về tố tụng.

+ Nếu quá thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo lần thứ hai mà người khởi kiện, người yêu cầu vẫn không trả lời thì chuyển đơn và tài liệu kèm theo cho Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại thực hiện nhiệm vụ chỉ định Hòa giải viên.

c) Chỉ định Hòa giải viên

Trường hợp được hòa giải, đối thoại tại Tòa án trọng thời hạn 03 ngày làm việc, Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại thực hiện việc chỉ định Hòa giải viên như sau:

– Mỗi vụ việc một Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại.

– Người khởi kiện, người yêu cầu lựa chọn Hòa giải viên trong danh sách Hòa giải viên của Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc; trường hợp người khởi kiện, người yêu cầu lựa chọn Hòa giải viên trong danh sách Hòa giải viên của Tòa án nhân dân cấp huyện khác trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án nhân dân cấp tỉnh khi được Hòa  giải viên và Tòa án nơi Hòa giải viên đó làm việc đồng ý.

– Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại của Tòa án nơi giải quyết vụ việc chỉ định Hòa giải viên:

+ Theo sự lựa chọn của người khởi kiện, người yêu cầu đối với Hòa giải viên trong danh sách Hòa giải viên của Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc hoặc Hòa giải viên trong danh sách Hòa giải viên của Tòa án nhân dân cấp huyện khác trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án nhân dân cấp tỉnh khi được Hòa giải viên và Tòa án nơi Hòa giải viên đó làm việc đồng ý.

+ Trường hợp người khời kiện, người yêu cầu không lựa chọn Hòa giải viên, Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại chỉ định Hòa giải viên trong danh sách Hòa giải viên của Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc, trường hợp vụ việc có liên quan đến người dưới 18 tuổi thì Thẩm phán chỉ định Hòa giải viên có kinh nghiệm, hiểu biết về tâm lý của người dưới 18 tuổi.

d) Thông báo chuyển vụ việc sang hòa giải, đối thoại Tòa án

– Sau khi chỉ định Hòa giải viên, Tòa án thông báo bằng văn bản về việc chuyển vụ việc sang hòa giải, đối thoại Tòa án và văn bản chỉ định Hòa giải viên cho Hòa giải viên, người khởi kiện, người yêu cầu, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; trường hợp Hòa giải viên được lựa chọn thuộc danh sách Hòa giải viên của Tòa án nhân dân cấp huyện khác thì văn bản chỉ định Hòa giải viên phải được gửi cho Tòa án đó.

– Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án, người bị kiện, phải trả lời bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác về việc đồng ý hoặc không đồng ý tiến hành hòa giải, đối thoại. Hết thời hạn này thì tùy từng trường hợp mà xử lý như sau:

+ Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại nếu người bị kiện đồng ý hòa giải, đối thoại hoặc không trả lời Tòa án;

+ Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại chỉ định Hòa giải viên khác nếu người bị kiện đề nghị thay đổi Hòa giải viên;

+ Tòa án chuyển đơn để xử lý theo quy định của pháp luật về tố tụng nếu người bị kiện, người bị yêu cầu không đồng ý hòa giải, đối thoại.

đ) Thời gian nhận, giải quyết đơn khởi kiện, đơn yêu cầu theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án không tính vào thời hiệu khởi kiện, thời hạn xử lý đơn theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính nếu vụ việc được giải quyết theo pháp luật tố tụng.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết về việc nhận, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Tòa án và chỉ định Hòa giải viên.

2.2. Những trường hợp không tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Vụ việc không tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án, nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

a) Yêu cầu đòi hỏi bồi thường do gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước.

b) Vụ việc phát sinh giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội.

c) Người khởi kiện, người yêu cầu, người bị kiện, người bị yêu cầu, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được mời tham gia hòa giải, đối thoại hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan hoặc không thể tham gia hòa giải, đối thoại được vì lý do chính đáng.

d) Một bên vợ hoặc chồng trong tranh chấp ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự.

đ) Một trong các bên đề nghị không tiến hành hòa giải, đối thoại.

e) Một trong các bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

g) Trường hợp khác theo quy định của pháp luật

Việc quy định những vụ việc không hòa giải, đối thoại tại Tòa án vừa phù hợp với tính chất hòa giải, đối thoại vừa phù hợp với Điều 206, Điều 207 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, Điều 135 Luật Tố tụng hành chính năm 2015.

2.3. Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

2.3.1. Thời hạn hòa giải, đối thoại tại Tòa án

a) Thời hạn hòa giải, đối thoại là không quá 20 ngày kể từ ngày Hòa giải viên được chỉ định; đối với vụ việc phức tạp, thời hạn này có thể được kéo dài nhưng không quá 30 ngày.

b) Trường hợp các bên tham gia hòa giải, đối thoại thống nhất kéo dài thì thời hạn hòa giải, đối thoại không quá 02 tháng.

2.3.2. Chuẩn bị hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Công tác chuẩn bị hòa giải, đối thoại của Hòa giải viên gồm:

a) Tiếp nhận đơn và tài liệu kèm theo do Tòa án chuyển đến;

b) Vào sổ theo dõi vụ việc;

c) Nghiên cứu đơn và tài liệu kẻm theo do Tòa án chuyển đến;

d) Xác định tư cách của các bên tham gia hòa giải, đối thoại, người đại diện, người phiên dịch trong vụ việc; thông báo cho họ biết về việc hòa giải, đối thoại;

đ) Yêu cầu các bên tham gia hòa giải, đối thoại bổ sung thông tin, tài liệu, chứng cứ; đề xuất phương án, giải pháp để giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính;

e) Xây dựng phương án, giải pháp hòa giải, đối thoại;

g) Mời người có uy tín có khả năng tác động đến mỗi bên tham gia hòa giải, đối thoại để hỗ trợ cho việc hòa giải, đối thoại khi cần thiết;

h) Nghiên cứu quy định của pháp luật có liên quan, tìm hiểu phong tục, tập quán và hoàn cảnh của các bên tham gia hòa giải, đối thoại để phục vụ cho việc hòa giải, đối thoại khi cần thiết;

i) Tham khảo ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân có chuyên môn về lĩnh vực liên quan đến vụ việc dân sự, khiểu kiện hành chính để phục vụ cho việc hòa giải, đối thoại khi cần thiết;

k) Các nội dung khác cần thiết cho việc hòa giải, đối thoại.

2.3.3. Phương thức hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Phương thức hòa giải, đối thoại tại Tòa án linh hoạt được thể hiện cụ thể như sau:

a) Hòa giải, đối thoại có thể được tiến hành trong một hoặc nhiều phiên.

b) Việc hòa giải, đối thoại được tiến hành tại trụ sở Tòa án hoặc có thể ngoài trụ sở Tòa án theo lựa chọn của các bên tham gia hòa giải, đối thoại.

c) Phiên hòa giải, đối thoại có thể được thực hiện bằng hình thức trực tiếp hoặc hình thức phù hợp khác theo đề nghị của các bên tham gia hòa giải, đối thoại.

d) Hòa giải viên có thể tiến hành hòa giải, đối thoại có mặt các bên hoặc gặp riêng từng bên, yêu cầu mỗi bên trình bày ý kiến của mình về các vấn đề của vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính, đề xuất phương án, giải pháp hòa giải, đối thoại.

Trường hợp một trong các bên có người đại diện, người phiên dịch thì Hòa giải viên phải mời họ cùng tham gia hòa giải, đối thoại.

2.3.4. Nhiệm vụ của Hòa giải viên trong quá trình tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án

a) Phổ biến, giải thích quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hòa giải, đối thoại. Chủ yếu tập trung giải thích các quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hòa giải, đối thoại được quy định tại Điều 8 Luật Hòa giải, đối thoại của Tòa án.

b) Tạo điều kiện để các bên tham gia hòa giải, đối thoại đề xuất, trao đổi về phương án, giải pháp giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính.

c) Phân tích tính hiệu quả, khả thi của từng phương án, giải pháp giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính; hỗ trợ các bên tham gia hòa giải, đối thoại đạt được sự thỏa thuận, thống nhất. Khi phân tích, giải thích, hướng dẫn, hỗ trợ cho các bên phải trên tinh thần vô tư khách quan, căn cứ các quy định của pháp luật.

2.3.5. Tiến hành phiên hòa giải, đối thoại tại Tòa án

a) Thời điểm tiến hành phiên tòa hòa giải, đối thoại: Khi các bên tham gia hòa giải, đối thoại đồng ý gặp nhau để thống nhất phương án giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính.

b) Hòa giải viên ấn định thời gian, địa điểm tiến hành phiên hòa giải, đối thoại trên cơ sở phù hợp với yêu cầu và hoàn cảnh điều kiện của các bên.

c) Hòa giải viên thông báo cho các bên, người đại diện của họ, người phiên dịch chậm nhất là 05 ngày trước ngày mở phiên tòa hòa giải, đối thoại. Việc thông báo có thể được thực hiện bằng văn bản hoặc hình thức khác thuận tiện cho các bên tham gia hòa giải, đối thoại.

d) Thành phần hòa giải, đối thoại gồm có:

– Hòa giải viên;

– Các bên tham gia hòa giải, đối thoại, người đại diện của họ, người phiên dịch;

– Người được mời tham gia hòa giải, đối thoại trong trường hợp cần thiết.

* Các bên tham gia hòa giải, đối thoại có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia hòa giải, đối thoại. Đối với trường hợp hòa giải quan hệ hôn nhân trong vụ việc ly hôn, các bên trong quan hệ vợ, chồng phải trực tiếp tham gia hòa giải. Người bị kiện trong khiếu kiện hành chính có thể ủy quyền cho người đại diện tham gia đối thoại; người đại diện theo ủy quyền phải có đầy đủ thẩm quyền để giải quyết khiếu kiện.

đ) Trình tự phiên hòa giải, đối thoại tại Tòa án

– Hòa giải viên giới thiệu thành phần tham gia phiên hòa giải, đối thoại; trình bày nội dung cần hòa giải, đối thoại; diễn biến quá trình chuẩn bị hòa giải, đối thoại; phổ biến quy định của pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính, phân tích hậu quả pháp lý của việc hòa giải thành, đối thoại thành.

– Người khởi kiện, người yêu cầu hoặc người đại diện của họ trình bày nội dung yêu cầu, khởi kiện; đề xuất quan điểm về những vấn đề cần hòa giải, đối thoại và hướng dẫn giải quyết tranh chấp, khiếu kiện.

– Người bị kiện hoặc người đại diện của họ trình bày ý kiến của mình đối với yêu cầu của người khởi kiện, người yêu cầu; đề xuất quan điểm về những vấn đề cần hòa giải, đối thoại; hướng giải quyết tranh chấp, khiếu kiện.

– Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoặc người đại diện của họ trình bày ý kiến của mình đối với yêu cầu của người khởi kiện, người yêu cầu, người bị kiện, người bị yêu cầu; đề xuất quan điểm về những vấn đề cần hòa giải, đối thoại; hướng giải quyết tranh chấp, khiếu kiện.

– Người được mời tham gia hòa giải, đối thoại phát biểu ý kiến.

– Hòa giải viên thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ các bên tham gia hòa giải, đối thoại trao đổi ý kiến, trình bày bổ sung về những nội dung chưa rõ và đi đến thỏa thuận, thống nhất việc giải quyết tranh chấp, khiếu kiện.

– Hòa giải viên tóm tắt những vấn đề các bên tham gia hòa giải, đối thoại đã thỏa thuận, thống nhất hoặc chưa thỏa thuận, thống nhất.

2.4. Tiến hành phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án

2.4.1. Điều kiện, địa điểm tiến hành phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án

– Khi các bên tham gia hòa giải, đối thoại đạt được sự thỏa thuận, thống nhất với nhau về việc giải quyết toàn bộ hoặc một phần vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính, hòa giải viên ấn định thời gian, địa điểm mở phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại.

– Phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại có thể được tổ chức ngay sau phiên hòa giải, đối thoại hoặc vào thời gian phù hợp khác.

– Hòa giải viên phải thông báo cho những người tham gia phiên họp biết để tham dự. Thành phần phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án bao gồm:

+ Hòa giải viên;

+ Các bên tham gia hòa giải, đối thoại, người đại diện của họ, người phiên dịch;

+ Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại hoặc Thẩm phán khác do Chánh án Tòa án phân công (sau đây gọi chung là Thẩm phán tham gia phiên họp).

2.4.2. Hoãn phiên họp, mở lại phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án

a) Hòa giải viên hoãn phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

– Một trong các bên tham gia hòa giải, đối thoại đã được thông báo mà vắng mặt. Trường hợp vắng mặt lần thứ hai mà không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì coi là hòa giải, đối thoại không thành, Hòa giải viên chuyển đơn và tài liệu kèm theo cho Tòa án giải quyết;

– Hòa giải viên, Thẩm phán tham gia phiên họp vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan;

– Theo yêu cầu của các bên tham gia hòa giải, đối thoại.

b) Khi hoãn phiên họp, hòa giải viên phải thông báo bằng văn bản cho những người cần tham gia phiên họp biết về việc hoãn phiên họp, ngày mở lại phiên họp. Thời gian hoãn phiên họp là không quá 7 ngày kể từ ngày ra thông báo hoãn phiên họp.

2.4.3. Trình tự phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Trình tự phiên họp được thực hiện như sau:

a) Hòa giải viên trình bày tóm tắt diễn biến quá trình hòa giải, đối thoại và nội dung các bên tham gia hòa giải, đối thoại đã thỏa thuận, thống nhất.

b) Các bên tham gia hòa giải, đối thoại, người đại diện của họ phát biển ý kiến về nội dung đã thỏa thuận, thống nhất.

c) Trường hợp nội dung thỏa thuận phải thống nhất của các bên tham gia hòa giải, đối thoại chưa rõ thì Thẩm phán yêu cầu các bên trình bày bổ sung.

d) Hòa giải viên lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, biên bản ghi nhận kết quả đối thoại và đọc lại biên bản cho các bên tham gia hòa giải, đối thoại nghe.

đ) Các bên tham gia hòa giải, đối thoại, người đại diện của họ, người phiên dịch ký hoặc điểm chỉ, hòa giải viên ký vào biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, biên bản ghi nhận kết quả đối thoại.

e) Ký xác nhận: Thẩm phán tham gia phiên họp ký xác nhận biên bản ghi nhận kết quả hòa giả, biên bản ghi nhận kết quả đối thoại và phải giữ bí mật thông tin về nội dung hòa giải, đối thoại do các bên cung cấp tại phiên họp theo yêu cầu của họ.

2.4.4. Biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án

a) Biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, biên bản ghi nhận kết quả đối thoại phải có nội dung sau đây:

– Ngày, tháng, năm, địa điểm tiến hành phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại;

– Thành phần tham gia phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại;

– Diễn biễn quá trình hòa giải, đối thoại; kết quả hòa giải thành, đối thoại thành.

Trường hợp có những nội dung mà các bên không thỏa thuận, thống nhất thì cũng được ghi trong biên bản.

– Trường hợp các bên thuận tình ly hôn thì thỏa thuận của các bên phải đầy đủ nội dung việc ly hôn, việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ, chồng, con theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình;

– Trường hợp nội dung thỏa thuận, hòa giải, thống nhất đối thoại của các bên liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người khác nhưng người đó không có mặt ở phiên hòa giải, đối thoại thì phải ghi rõ trong biên bản;

– Ý kiến của các bên tham gia hòa giải, đối thoại về yêu cầu hoặc không yêu cầu Tòa án ra quyết định công nhận hòa giải thành, đối thoại thành;

– Chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên, người đại diện của họ, người phiên dịch; chữ ký của hòa giải viên; chữ ký xác nhận của Thẩm phán tham gia phiên họp.

b) Biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, biên bản ghi nhận kết quả đối thoại được lưu vào hồ sơ hòa giải, đối thoại và giao cho các bên có mặt.

Trường hợp những người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến nội dung thỏa thuận, thống nhất đối thoại của các bên vắng mặt thì hòa giải viên phải gửi biên bản đó cho họ để họ có ý kiến.

c) Hòa giải viên từ chối lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, biên bản ghi nhận kết quả đối thoại nếu thuộc trường hợp thỏa thuận, thống nhất đó vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội, trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc cơ quan tổ chức, cá nhân khác.

2.5. Thủ tục ra quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án

2.5.1. Điều kiện Toàn án xem xét ra quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án

– Tòa án xem xét ra quyết định công nhận hoặc không công nhận khi có đủ hai điều kiện sau đây:

+ Có biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, biên bản ghi nhận kết quả đối thoại tại Tòa án.

+ Người tham gia hòa giải, đối thoại yêu cầu Tòa án ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án.

– Hòa giải viên gửi biên bản và tài liệu kèm theo cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính để xem xét ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, kết quả đối thoại thành.

2.5.2. Chuẩn bị ra quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án

– Thời hạn chuẩn bị ra quyết định công nhận kết quả kết quả hòa giải thành, kết quả đối thoại thành là 15 ngày kể từ ngày Toàn án nhận được biên bản và tài liệu kèm theo.

– Trong thời hạn chuẩn bị Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công xem xét ra quyết định có các quyền sau đây:

+ Yêu cầu một hoặc các bên tham gia hòa giải, đối thoại trình bày ý kiến về kết quả hòa giải thành, đối thoại thành đã được ghi tại biên bản;

+ Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cung cấp cho Tòa án tài liệu làm cơ sở cho việc ra quyết định, nếu xét thấy cần thiết. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được Tòa án yêu cầu có trách nhiệm trả lời Tòa án trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhân được yêu cầu của Tòa án.

2.5.3. Ra quyết định công nhận hoặc công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành

a) Điều kiện công nhận

Để bảo đảm nội dung thỏa thuận, thống nhất của các bên tham gia hòa giải, đối thoại phải trên cơ sở tự nguyện không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác và tương thích với Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Luật Tố tụng hành chính năm 2015, kết quả hòa giải thành, đối thoại thành được công nhận khi có đủ các điều kiện sau đây:

– Các bên tham gia hòa giải, đối thoại có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

– Các bên tham gia hòa giải, đối thoại là người có quyền, nghĩa vụ đối với nội dung thỏa thuận, thống nhất;

– Nội dung thỏa thuận, thống nhất của các bên tham gia hòa giải, đối thoại là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ của Nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác;

– Trường hợp các bên thuận tình ly hôn thì thỏa thuận của các bên phải có đầy đủ nội dung về việc ly hôn, việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ, chồng, con theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình;

– Trường hợp nội dung thỏa thuận hòa giải, thống nhất đối thoại của các bên liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người khác nhưng người đó không có mặt phiên hòa giải, đối thoại thì thỏa thuận, thống nhất chỉ được công nhận khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của họ;

b) Ra quyết định công nhận hoặc không công nhận

– Trường hợp có đủ điều kiện thì Thẩm phán ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành;

– Trường hợp không cóp đủ điều kiện thì Thẩm phán ra quyết định không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành và nêu rõ lý do. Thẩm phán chuyển quyết định, biên bản và tài liệu kèm theo cho Tòa án có Thẩm quyền giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, tố tụng hành chính.

– Quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành được gửi cho các bên tham gia hòa giải, đối thoại và Viện Kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án ra quyết định.

– Trường hợp các bên thỏa thuận thống nhất được một phần tranh chấp dân sự, một phần khiếu kiện hành chính thì chỉ được công nhận khi nội dung thỏa thuận, thống nhất không liên quan đến các phần khác của tranh chấp, khiếu kiện đó.

c) Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án

Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành phải có các nội dung sau đây:

– Ngày, tháng, năm ra quyết định;

– Tên Tòa án ra quyết định;

– Họ, tên của Thẩm phán ra quyết định;

– Họ, tên, địa chỉ của các bên tham gia hòa giải, đối thoại, người đại diện của họ, người phiên dịch;

– Nội dung hòa giải thành, đối thoại thành;

d) Hiệu lực của quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án

– Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành có hiệu lực pháp luật và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

– Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

– Quyết định công nhận kết quả đối thoại thành được thi hành theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.

2.6. Thủ tục xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án

Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành có hiệu lực pháp luật được thi hành ngay, tuy nhiên, nếu phát hiện quyết định đó vi phạm những điều kiện công nhận, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải có cơ chế khắc phục. Hoạt động hòa giải đối thoại tại Tòa án là hoạt động ngoài tố tụng, quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành của Tòa án ban hành theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án cho nên quyết định này không phải là văn bản tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, cho nên không thể xem xét giải quyết theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm mà phải có cơ chế xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án theo thủ tục riêng.

Từ Điều 36 đến Điều 39 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định thủ tục xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án như sau:

2.6.1. Đề nghị, kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa  giải thành, đối thoại thành tại Tòa án

a) Căn cứ đề nghị, kiến nghị: Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành bị đề nghị, kiến nghị xem xét lại khi quyết định đó vi phạm một trong những điều kiện để Thẩm phán ra quyết định công nhận kết quả hòa giải, đối thoại.

b) Người có quyền đề nghị, kiến nghị yêu cầu xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án:

– Các bên tham gia hòa giải, đối thoại, người đại diện của họ, hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến quyết định của Tòa án có quyền đề nghị;

– Viện kiểm sát cùng cấp có quyền kiến nghị.

c) Thời hạn đề nghị, kiến nghị là 15 ngày kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án

Trường hợp vì lí do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác mà họ không thực hiện được quyền đề nghị theo đúng thời hạn thì thời gian đó không tính vào thời hạn đề nghị.

d) Thủ tục đề nghị, kiến nghị

– Người đề nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành phải gửi đơn đề nghị;

– Viện kiểm sát kiến nghị phải gửi văn bản kiến nghị.

Đơn đề nghị, văn bản kiến nghị gửi đến Tòa án cấp trên trực tiếp của Tòa án đã ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành.

2.6.2. Thủ tục giải quyết đề nghị, kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án

a) Tiếp nhận và thụ lý đề nghị, kiến nghị:

– Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị hoặc văn bản kiến nghị, Tòa án cấp trên trực tiếp yêu cầu Tòa án đã ra quyết định chuyển hồ sơ, tài liệu.

– Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu, Tòa án đã ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành phải chuyển hồ sơ, tài liệu cho Tòa án cấp trên trực tiếp.

– Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, tài liệu, Tòa án cấp trên trực tiếp phải:

+ Thụ lý và phân công Thẩm phán xem xét, giải quyết;

+ Thông báo cho người đề nghị, Viện kiểm sát kiến nghị và Viện kiểm sát cùng cấp.

b) Chuẩn bị giải quyết đề nghị, kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án.

– Thời hạn: 30 ngày kể từ ngày Thẩm phán được phân công  giải quyết

– Trong thời hạn chuẩn bị Thẩm phán có quyền:

+ Nghiên cứu hồ sơ, tài liệu

+ Xác minh, thu thập chứng cứ

Mục đích của việc xác minh, thu thập chứng cứ là giúp cho Thẩm phán có đủ căn cứ kết luận quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án có vi phạm những điều kiện ra quyết định công nhận quy định tại Điều 33 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án không? đồng thời Luật không quy định chi tiết cụ thể về các biện pháp xác minh, thu thập chứng cứ, có nghĩa là Thẩm phán thực hiện các biện pháp xác minh, thu thập chứng cứ theo quy định của luật tố tụng.

c) Ra quyết định giải quyết đề nghị, kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án:

– Trường hợp có đủ căn cứ kết luận quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành vi phạm một trong các điều kiện quy định tại Điều 33 của Luật này thì Thẩm phán ra quyết định hủy quyết định đó.

Trong trường hợp này, sau khi ra quyết định Thẩm phán làm thủ tục chuyển vụ việc cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

– Trường hợp không có căn cứ kết luận quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành vi phạm một trong các điều kiện quy định tại Điều 33 của Luật này thì Thẩm phán ra quyết định không chấp nhận đề nghị, kiến nghị và giữ nguyên quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành.

Trường hợp người đề nghị rút đề nghị, Viện kiểm sát rút kiến nghị thì Thẩm phán ra quyết định đình chỉ việc xem xét đề nghị, kiến nghị.

– Gửi quyết định hủy quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án hoặc quyết định không chấp nhận đề nghị, kiến nghị và giữ nguyên quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định, Tòa án ra quyết định phải gửi:

+ Viện kiểm sát cùng cấp;

+ Viện kiểm sát kiến nghị (nếu có);

+ Người đề nghị, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc đề nghị, kiến nghị.

d) Quyết định giải quyết đề nghị, kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án

– Quyết định giải quyết đề nghị, kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành phải có các nội dung sau đây:

+ Ngày, tháng, năm ra quyết định;

+ Tên Tòa án ra quyết định;

+ Họ, tên của Thẩm phán;

+ Họ, tên, địa chỉ của người đề nghị; tên của Viện kiểm sát kiến nghị;

+ Họ, tên, địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

+ Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết;

+ Căn cứ pháp luật để giải quyết đề nghị, kiến nghị;

+ Nhận định của Tòa án và những căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận đề nghị, kiến nghị;

+ Quyết định của Tòa án.

Quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định.

2.7. Chấm dứt hòa giải, đối thoại tại Tòa án

2.7.1. Căn cứ chấm dứt hòa giải đối thoại

Việc hòa giải, đối thoại chấm dứt khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Hòa giải thành, đối thoại thành;

b) Các bên không đạt được thỏa thuận, thống nhất về toàn bộ nội dung vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính hoặc chỉ thỏa thuận, thống nhất được một phần vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính nhưng phần đó có liên quan đến những phần khác của vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính;

c) Một bên hoặc các bên không đồng ý tiếp tục hòa giải, đối thoại hoặc vắng mặt sau 02 lần được thông báo hợp lệ về việc hòa giải, đối thoại;

d) Trong quá trình hòa giải, đối thoại phát hiện vụ việc thuộc trường hợp không hòa giải đối thoại;

đ) Trong quá trình hòa giải, đối thoại một trong các bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính trong quá trình hòa giải, đối thoại;

e) Người nộp đơn khởi kiện, đơn yêu cầu rút đơn khởi kiện, đơn yêu cầu.

2.7.2. Xử lý việc chấm dứt hòa giải, đối thoại tại Tòa án

a) Hòa giải viên phải lập biên bản yêu cầu việc chấm dứt hòa giải, đối thoại, gửi biên bản kèm theo đơn khởi kiện, đơn yêu cầu và tài liệu kèm theo cho Tòa án đã nhận đơn chuyển đơn và tài liệu kèm theo cho Tòa án đã nhận đơn để tiến hành xem xét, thụ lý vụ việc theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính và thông báo cho các bên tham gia hòa giải, đối thoại biết trong các trường hợp sau đây:

– Hòa giải đối thoại không thành;

– Một bên hoặc các bên không đồng ý tiếp tục hòa giải, đối thoại hoặc vắng mặt sau 02 lần được thông báo hợp lệ về việc hòa giải, đối thoại;

– Vụ việc thuộc trường hợp không hòa giải, đối thoại;

– Quá trình hòa giải đối thoại, một trong các bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Chú ý: Khi chuyển hồ sơ, tài liệu cho Tòa án, Hòa giải viên không được chuyển những tài liệu phải bảo mật quy định tại khoản 3 Điều 4 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

b) Trường hợp người nộp đơn khởi kiện, đơn yêu cầu rút đơn khởi kiện, đơn yêu cầu thì Hòa giải viên chuyển đơn và tài liệu kèm theo cho Tòa án đã nhận đơn để tiến hành xem xét, giải quyết theo quy định chung và thông báo cho các bên tham gia hòa giải, đối thoại biết.

Thẩm phán đã tham gia phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại không được tham gia giải quyết vụ việc đó theo trình tự tố tụng dân sự, tố tụng hành chính.

3. Hiệu lực thi hành

Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2021. Việc triển khai thi hành sẽ do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo thực hiện.

Trên đây là những nội dung chủ yếu của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án./.

Tác giả bài viết: Văn phòng TAND tỉnh Quảng Nam
Tổng hợp từ Bài viết của Đ/c Tống Anh Hào- Thẩm phán, Nguyên Phó Chánh án TANDTC và các bài viết liên quan đã đăng công khai theo quy định của pháp luật

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tòa án nhân dân thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị cán bộ công chức, người lao động

Ngày 03/01/2020, Tòa án nhân dân thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam tổ chức …

X